•   Tiếng Việt
  •   English
  •   中文
Thứ 5, 21-11-2024 | 05:23:38 PM

Thông tin - Tin tức

Luật sư: BQL Keangnam đã không làm đúng cam kết

Thưa ông, bản chất vụ việc tại tòa nhà Keangnam ngày 3/12 vừa qua cần được nhìn nhận như thế nào?

Nguyên nhân trực tiếp là do giữa hai bên đã có một sự vênh nhau trong quan niệm. Về phía Ban quản lý, họ nói đây là tòa nhà hiện đại nhất Việt Nam, phải dùng những máy móc, công nghệ hiện đại, đắt tiền nên người ở trong tòa nhà phải đóng mức phí cao hơn hẳn các chung cư khác.
Còn về phía người dân, ban đầu họ không thể biết dịch vụ như thế nào mà chỉ biết đây là tòa nhà được lắp đặt thiết bị hiện đại nhất. Họ có tiền và họ muốn được hưởng những tiện ích tốt nhất thì họ mua. Đó là nguyện vọng chính đáng.

Nghĩa là, để xảy ra vụ việc đáng tiếc trên thì có một phần lỗi của người dân khi đã không tìm hiểu kỹ trước khi mua nhà?
Đã có nhiều người hỏi tôi câu đó. Tuy nhiên, khi xem bản hợp đồng mua nhà của họ, tôi khẳng định là không có chuyện này. Cái chính là Ban Quản lý Keangnam đã coi thường pháp luật Việt Nam.

Cụ thể như thế nào, thưa ông?
Trong hợp đồng mua bán, Ban quản lý đã nêu rõ là nếu không có mức phí trần giá dịch vụ của chính quyền thì người dân sẽ phải nộp phí theo mức mà họ đưa ra. Tuy nhiên, đến ngày 29/9/2011, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định 4520 về việc phê duyệt đề án dịch vụ nhà chung cư và ban hành giá trần giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn thành phố, theo đó mức phí này sẽ là 4.000đ/m2/tháng cho 4 dịch vụ cơ bản, trong đó có thang máy. Theo như hợp đồng, Ban quản lý sẽ phải thực hiện quyết định này. Thế nhưng, họ đã không làm đúng cam kết mà vẫn đòi người dân đóng phí cao hơn quy định.

Không sử dụng vẫn phải đóng phí

Nhưng thưa ông, dân gian vẫn có câu "tiền nào của ấy". Sống trong một chung cư cao cấp thì phải đóng phí cao cũng là điều đương nhiên chứ?
Tôi đã có buổi làm việc với cán bộ Sở Tài chính. Họ khẳng định, qua khảo sát các chung cư ở Hà Nội và TPHCM, mức phí dịch vụ 4.000đ/m2/tháng đã đảm bảo công ty quản lý có lãi.
Keangnam cho rằng họ cung cấp nhiều dịch vụ hơn trong quyết định của thành phố nên cần phải thu phí cao hơn là hoàn toàn thiếu cơ sở. Khi có quy định mức giá trần thì họ phải thực hiện trước đã, sau đó họ cung cấp thêm dịch vụ nào thì cần phải có sự đàm phán với người dân. Trong Quyết định 4520 cũng đã quy định điều này. Ở đây không có sự thương lượng, Ban quản lý đang có sự đánh đồng trong việc thu phí, buộc những người không sử dụng dịch vụ nhưng vẫn phải đóng tiền.

Ban quản lý giải thích việc cắt thang máy, điện, nước là thực hiện theo hợp đồng. Ông nghĩ sao?
Đó chỉ là sự ngụy biện. Họ đã sai ngay từ ban đầu là đã không thực hiện quyết định của thành phố rồi thì làm sao có thể cho rằng người dân vi phạm Hợp đồng khi không nộp phí quản lý. Kể cả trường hợp hợp đồng ký có nội dung sai với quy định của pháp luật sẽ bị xem vô hiệu. Người dân phản đối, không đóng phí cũng là đương nhiên.

Người dân bị lừa?

Đây không phải là vụ lùm xùm đầu tiên ở tòa nhà này. Vấn đề đặt ra là việc người dân bỏ ra cả một đống tiền để được sở hữu căn hộ tại Keangnam thì họ có đáng bị đối xử như thế hay không?
Ai trả tiền cao cũng muốn dịch vụ hoàn hảo. Người ta mua nhà ở Keangnam vì cho rằng ở đó có thiết bị hiện đại hơn rất nhiều. Nhưng có vẻ không hoàn toàn như thế.

Nghĩa là người dân bị lừa?
Thì chúng ta đã thấy. Thêm nữa, tôi đã vào đó và thấy rằng căn hộ có hệ thống cột trong nhà xây quá to về thiết kế. Nếu chủ đầu tư bán căn hộ mà bán luôn cả diện tích cột nữa thì không phù hợp với quy định của pháp luật (Nghị định 71/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở thì cột nhà và tường bao quanh là diện tích chung). Điều phi lý nữa là người dân không được khoan hay đóng đinh vào cột nhà, mặc dù họ đã bỏ tiền ra mua diện tích cột đó.

Thiếu quy định rõ ràng

Như trên ông phân tích, nguyên nhân trực tiếp của những vụ tranh chấp giữa cư dân và Ban quản lý Keangnam là do có sự vênh nhau trong quan niệm. Vậy nguyên nhân sâu xa là gì?
Pháp luật quy định, chủ đầu tư chỉ được quản lý tạm thời trong thời hạn 12 tháng, tính từ khi chung cư đi vào hoạt động. Sau đó việc quản lý được giao cho ban quản trị do người dân bầu ra. Chủ đầu tư chỉ có một người nằm trong ban quản trị. Ban quản trị có chức năng tìm công ty quản lý để thuê. Thế nhưng, trên thực tế, các chung cư hiện nay có muốn thành lập ban quản trị cũng khó.

Vì sao lại khó, thưa ông?
Hiện nay, quy định của pháp luật vẫn chưa rõ ràng khi không đưa ra văn bản quy định cụ thể việc thành lập, đăng ký và hoặc xác nhận hoạt động của ban quản trị. Do đó mới dẫn đến tình trạng chủ đầu tư cũng chính là người quản lý, điều hành tòa nhà hoặc chỉ định công ty quản lý.

Ngày 6/12, Ban Quản lý Keangnam lại vừa phát đi thông báo nếu cả hai bên không thống nhất được mức giá phí dịch vụ thì họ sẽ tiếp tục khóa thang máy. Ông đánh giá thế nào về khả năng khởi kiện của người dân?

Kiện là biện pháp cuối cùng. Nó rất tốn kém và mất thời gian. Nó cũng chưa phải là kế sách hay thời điểm này. Tôi tin, người dân đủ tỉnh táo để nhận ra điều đó. Trước mắt, việc thương lượng vẫn là biện pháp tốt nhất. Sở Xây dựng, Sở Tài chính cần vào cuộc để có biện pháp can thiệp. Tôi cho rằng, chậm nhất là một tháng nữa thì sẽ giải quyết được tranh chấp về phí dịch vụ này.
Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là không có khả năng khởi kiện, nếu như phía chủ đầu tư vẫn không có sự hợp tác, bất chấp luật pháp vì không ai có thể tự cho mình cái quyền sống trên pháp luật được! Ai sai, ai đúng đến bây giờ đã quá rõ ràng rồi.

Xin cảm ơn ông.

Thanh Thủy (thực hiện)
(Theo báo điện tử Kiến thức 07/10/2011)